Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4 năm 2022
Lượt xem: 652
“Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” là chủ đề Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 diễn ra vào sáng ngày 29/5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị chủ trì hội nghị.


Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4 năm 2022


Dự hội nghị có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự trực tiếp và 62 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Dự hội nghị có 3.400 nông dân tiêu biểu đại diện cho 12 triệu hội viên nông dân cả nước. 

 


Đại biểu dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4 năm 2022


Tỉnh Sơn La, có đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Thường trực tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. 

 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác đã đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ - Quảng trường Tây Bắc và trồng cây lưu niệm tại Quảng trường Tây Bắc.



 


Thủ tướng Chính phủ dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Tây Bắc.

 

Phiên đối thoại Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam diễn ra 3 phiên: Khơi nguồn động lực cho nông nghiệp Việt Nam cất cánh, vươn tầm quốc tế; xây dựng nguồn nhân lực, bản sắc văn hóa và đời sống của khu vực nông thôn; các vấn đề chiến lược thúc đẩy nền nông nghiệp và vị thế của người nông dân trong xu thế hội nhập.

Thủ tướng Chính phủ trồng cây lưu niệm tại Quảng trường Tây Bắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

 

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc

 

Hội nghị đối thoại được tổ chức tại tỉnh Sơn La lần này càng ý nghĩa hơn khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá XIII vừa thông qua ban hành nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

 


Đại biểu dự Hội nghị đối thoại



Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay, báo Điện tử Dân Việt là người điều phối viên của phiên đối thoại, đã phát biểu đề dẫn: Mặc dù đây là lần đối thoại thứ 4 giữa người đứng đầu Chính phủ với nông dân, nhưng những vấn đề cần giải quyết liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa khi nào bớt nóng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên được đối thoại với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới. Vì vậy, nông dân, doanh nghiệp và chuyên gia đặt rất nhiều kỳ vọng và tin tưởng.

 


Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi. Nội dung các câu hỏi tập trung vào 8 nhóm vấn đề: Giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19; tình hình sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp; thực hiện chuỗi liên kết giữa nhà nông- doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của Hợp tác xã nông nghiệp trong thực hiện chuỗi liên kết; nhóm câu hỏi về vốn; nhóm câu hỏi về môi trường ở nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố; tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông cửa long; nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp nhất tới bà con nông dân cả nước; gửi lời chia sẻ, sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ đối với bà con nông dân nói riêng, nhân dân nói chung trong 2 năm qua gồng mình chống đại dịch Covid-19.


Thủ tướng trăn trở, đại dịch Covid-19 mang tính toàn cầu, không thể chống chọi một mình mà phải kêu gọi đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là, chủ quan bởi không có quốc gia nào an toàn khi còn quốc gia chống dịch, không người dân nào an toàn khi còn người dân nhiễm bệnh.


Thủ tướng cũng nêu rõ, việc tổ chức thành công, an toàn SEA Games 31 vừa qua minh chứng cho thành công trong việc phòng, chống dịch ở nước ta. Chúng ta phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, từ đó đặt ra các vấn đề cơ bản để giải quyết. Điều quan trọng là tìm ra giải pháp phù hợp, thích ứng thực tiễn để hoá giải những khó khăn, phát huy tối đa những thuận lợi, nội lực, thành tựu để tự tin phát triển, không hoang mang dao động. Vấn đề là chúng ta tiếp cận những khó khăn như thế nào, hoá giải như thế nào. Nhất là phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng để cùng ngành nông nghiệp, nông dân giải quyết những khó khăn hiện hữu. 


Quang cảnh Hội nghị đối thoại tại điểm cầu Sơn La

 

Qua 3 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân những năm vừa qua, chúng ta cần xem lại những gì làm tốt, chưa làm tốt để rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Sau mỗi cuộc đối thoại lại có tiến bộ, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế nói chung, cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng. Trong một cuộc đối thoại không thể giải quyết hết vấn đề, do đó phải tiếp tục kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết, đồng thời nông dân cũng phải vươn lên mạnh mẽ.

 

Vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đưa ra những vấn đề lớn như tiếp tục đổi mới công nghệ, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực cho sự phát triển; đa dạng hoá các chuỗi cung ứng bởi không thể phụ thuộc vào một số thị trường, không phụ thuộc vào một số loại sản phẩm, phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng cho nông nghiệp; công nghiệp hoá nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu. Các hoạt động sản xuất, chăn nuôi thì sinh khí methane nhiều, do đó phải chú trọng bảo vệ môi trường. 

 


Cuộc đối thoại này diễn ra trên tinh thần hết sức thẳng thắn, chân thành, tình cảm, thẳng thắn, trách nhiệm, đổi mới. Những gì thuộc thẩm quyền các cấp, thì các cấp phải giải quyết, người nông dân tiếp tục góp ý. Mỗi người phải có trách nhiệm trên cương vị của mình để giải quyết, chia sẻ khó khăn, thách thức, làm hết trách nhiệm, vượt qua chính mình. Những gì chưa rõ, thực tiễn còn ý kiến khác nhau, chúng ta mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; tự tin, bình tĩnh để giải quyết mọi vấn đề. 

 

Tiếp sức hỗ trợ nông dân



Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 được trực tuyến đến 62 điểm cầu trong cả nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân


Trả lời câu hỏi mở đầu cho Hội nghị đối thoại của nông dân Nguyễn Văn Thanh, ở xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, cũng là sự lo lắng của đông đảo nông dân chăn nuôi trong thời gian qua, với nội dung: Vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, hầu hết các mặt hàng tăng rất cao so với trước dịch Covid-19, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng. Vậy Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?


Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội


Trả lời cho câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Vấn đề giá cả các mặt hàng tăng cao thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành cũng đã nỗ lực kiểm soát tăng giá, đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá thành sản phẩm. Bộ Công Thương đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào.



Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên


Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào, cụ thể: Thứ nhất, sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán – người mua. Theo tính toán thì vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm, nên nếu tính toán tỉ mỉ thì hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ. Thứ hai, tiếp tục kiểm tra kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng. Thứ ba, điều chỉnh thuế đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế… để các mặt hàng, vật tư thiết yếu như phân bón có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân.


Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khuyến nghị: Về tiết kiệm chi phí đầu vào, tôi nghĩ có nhiều cách. Tôi có đi thị sát các mô hình ở nhiều địa phương, nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này, giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, thì đó cũng là cách giảm chi phí.

 


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

 

Hoặc có thể vào HTX mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất. Ngoài ra, cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Giảm chi phí là mệnh lệnh và làm được nếu chúng ta quyết tâm; quan trọng nhất là giải pháp phù hợp.           

 

Luôn đồng hành với doanh nghiệp và nông dân 

 

Tiếp nối phiên đối thoại, nhiều nông dân đã nêu ra ý kiến: Chính phủ sẽ có giải pháp gì để chỉ đạo các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tăng nguồn tăng hạn mức vay để nông dân kịp thời phục hồi sản xuất?. Đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp cụ thể để nông dân thực sự được vay vốn mà không cần phải thế chấp tài sản, phù hợp với quy định hiện hành?; đồng thời, các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân cũng được có chính sách vay vốn ưu đãi như nông dân?. Chính phủ cần ban hành chính sách khuyến khích dành cho khoa học kỹ thuật phát triển, nhất là đề án phát triển thương hiệu nông sản. Ngoài ra, hiện nay sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu đang ở dạng sản xuất thô, các sản phẩm nông sản xuất khẩu cũng dưới dạng thô, chưa có chế biến sâu, nên giá trị thu về còn thấp. Xin Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ chế biến nông sản cho nông dân? Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao. 

 

Thủ tướng Chính phủ điều hành các Bộ trưởng trả lời theo nhóm vấn đề kiến nghị của nông dân.           


Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, khẳng định: Xác định lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như: Trình tự thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp được rà soát, chỉnh sửa rõ ràng, minh bạch và đồng bộ với các luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện chính sách. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước được triển khai thuận lợi hơn.

Ông Lê Quang Thắng - Quảng Ninh.

 

Đối tượng hỗ trợ được điều chỉnh phù hợp với đối tượng đầu tư vào nông nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Tập trung vào hỗ trợ chủ yếu ngành chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn thị trường và vùng nguyên liệu nhằm phát triển nông nghiệp hiệu quả cao với mức hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/dự án chế biến, bảo quản nông sản; xác định đây là một nút thắt quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…

 

Nội dung hỗ trợ chủ yếu vào đầu tư kết cấu hạ tầng của dự án với các hạng mục chính là giao thông, điện, cấp thoát nước, nhà xưởng và xử lý chất thải, nhằm đảm bảo thuận lợi trong thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả.

Bà Thái Hương - Anh hùng lao động, Nhà sáng lập đoàn TH.


Bổ sung quy định đối với trường hợp địa phương không cân đối được nguồn vốn hỗ trợ thì các Bộ sẽ tham gia thực hiện hỗ trợ, tạo thêm nguồn lực, điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giảm gánh nặng chi ngân sách cho các địa phương.

 

Để hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, bền vững, an toàn; bên cạnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp về giống, vật tư, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm nguồn cung vật tư nông nghiệp và đầu vào thiết yếu phục vụ sản xuất; hỗ trợ gián tiếp thực hiện thông qua các chính sách về đầu tư, đất đai, tài chính, bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng ưu đãi, phát triển thị trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo; ưu đãi thuế cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp...

 

Làm rõ thêm nội dung hỗ trợ nông dân trong lúc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết: Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngay trong thời gian phòng chống dịch vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước.

 

Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm, không phải tính cua trong lỗ.

 

Về việc xây dựng thương hiệu, Thủ tướng cho biết đã đề cập vấn đề này rất nhiều lần tại nhiều diễn đàn khác nhau. Nhiều lúc chúng ta chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu. Chúng ta phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu. Cùng một cái áo mà công nhân Việt Nam may, nhưng gắn mác của các thương hiệu quốc tế vào giá trị tăng gấp hàng chục lần. Có thương hiệu rồi, chúng ta phải sản xuất thế nào để sản phẩm đáp ứng được chất lượng, số lượng, đặc biệt là tạo cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Bà Nguyễn Thị Trâm, tỉnh Bắc Ninh.

 

Một vấn đề quan trọng khác là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan vừa nhắc tới việc nhập khẩu ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi, các bộ ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

 

Chúng ta cùng nhận thức vấn đề, đưa ra giải pháp và hành động để giảm phụ thuộc về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước. Chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm, không phải "tính cua trong lỗ". 


Tiếp tục mở rộng hơn tín dụng chính thức

 

Trước câu hỏi của bà Trần Thị Thanh Thoan, đến từ huyện Duy Tiên, Hà Nam: Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại. Vậy trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?

Bà Trần Thị Thanh Thoan, huyện Duy Tiên, Hà Nam


Trả lời nội dung này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Từ năm 2017, ngành Ngân hàng có nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen, như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân... Đồng thời, tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; giải đáp nhiều kiến nghị; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”; chú trọng xây dựng các chương trình truyền hình về giáo dục tài chính giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức.


So với năm 2017, tín dụng đen theo đánh giá sơ bộ giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã giảm hơn 1 nửa, những sự việc đau lòng đã hạn chế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hơn tín dụng chính thức. 


Trả lời câu hỏi về ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh: Trong lĩnh vực vay vốn hộ nông dân, một số loại tội phạm đã lợi dụng hình thành đường dây ổ nhóm cho vay nặng lãi, mà chúng ta gọi là tín dụng đen. Ngay sau khi phát hiện có tình hình đó ở một số địa phương, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen. Mở nhiều đợt cao điểm rốt ráo phá các ổ nhóm tín dụng đen, bắt và xử lý nhiều đối tượng. Phát hiện đến đâu xử lí đến đó, nếu vụ việc đến mức xử lí hình sự thì thu thập đủ tài liệu để xử lí nghiêm minh. 

 


Hiện nay, Bộ Công an đang tập trung chỉ đạo công an địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng, địa phương tăng cường tuyên truyền phòng ngừa nắm tình hình để cập nhật kịp thời các hoạt động tinh vi của tội phạm tín dụng đen; tăng cường tham mưu, xây dựng thể chế nhằm tăng cường phòng ngừa loại tội phạm mới này. Bộ Công an an cũng đã trình Quốc hội sửa đổi một số điều luật để tăng cường xử lý tội phạm tín dụng đen. Ngoài ra, Bộ đã tăng cường trên 50.000 cán bộ công an, sĩ quan về làm công an xã, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao để ngăn chặn ngay từ đầu.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhấn mạnh thêm: Quốc hội cùng Chính phủ đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách phục hồi kinh tế, xã hội sau dịch Covid. Về mặt chính sách rất rõ, nhưng về mặt tổ chức thực hiện, tiếp cận vốn còn khó khăn, thế chấp và tín chấp còn vướng mắc, đề nghị ngân hàng xem xét làm sao giải quyết cho phù hợp tình hình. Chính quyền địa phương phải phối hợp với cơ quan chức năng xác định tín chấp có đúng không, để hỗ trợ ngân hàng làm sao cho vay và thu lại được vốn. Về phía các hộ nông dân, muốn vay vốn cũng phải có đề án, dự án rõ ràng khả thi, hiệu quả, để ngân hàng dễ chấp nhận cho vay hơn. Muốn ngăn chặn tín dụng đen phải có cả sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân, công an. Hiện nay, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu dân cư, có sự kết nối giữa ngân hàng với công an để ít nhất khi 1 người vay vốn sẽ biết ngay được thân nhân của họ mà không cần phải xác minh nhiều. Thủ tướng, cho rằng: Việc chống tín dụng đen phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn, hạn chế tín dụng đen.


Nông dân Trần Như Kiên - Yên Châu, Sơn La đại diện cho nông dân Sơn La đã có câu hỏi: Thời gian qua, người nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trái cây tươi của tỉnh khi xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chiếu xạ thường phải chuyển vào các tỉnh phía Nam xử lý nên tăng thời gian vận chuyển, dẫn tới thương nhân thu gom thường giảm giá mua tại vườn của người dân. Mong Chính phủ có các giải pháp để hỗ trợ hoạt động thông quan, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc?

Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan, trả lời: Trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội mỗi lần chiếu xạ do có quá ít sản phẩm nên chi phí khá cao. Để chi phí chiếu xạ thấp, các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Bắc Giang cần chiếu xạ một lần với số lượng lớn để giảm chi phí. 

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời thêm: Hai năm qua, Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc thông quan nông sản gặp nhiều khó khăn. Mặt khác nữa, một số mặt hàng nông sản của chúng ta, trong đó có trái cây chưa ký được hiệp định hiệp thư với phía Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương duy trì chính sách giao thiệp với Trung Quốc để thống nhất về cách thông quan hàng hoá. Đồng thời, tiếp cận việc ký Nghị định thư về xuất khẩu nông sản. 

Để giải quyết việc xuất khẩu nông sản sang chính ngạch Trung Quốc, các địa phương cần có chiến lược, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn về quy trình canh tác, quy trình sản xuất đảm bảo được chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Trung Quốc đã tham gia hiệp định RCEP với cùng với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN, đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất nên sản xuất theo tín hiệu thị trường, sản xuất theo xuất khẩu chính ngạch, sản xuất theo tiêu chuẩn và đáp ứng được tiêu chuẩn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: Muốn xuất khẩu được hàng hoá thuận lợi sang thị trường nước ngoài, chúng ta buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, người dân để cùng nâng cao giá trị nông sản. Liên quan hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ Công Thương và Thủ tướng đã có buổi làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản. Hiện vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với tỉnh bạn để giao lưu hàng hoá giữa 2 nước. 

Đại biểu tham quan gian hàng nông sản tại Hội nghị đối thoại

Đại biểu thăm quan gian hàng nông sản của huyện Mường La (Sơn La).

Kết thúc phiên đối thoại, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành đã trả lời 14 câu hỏi của nông dân Việt Nam. Những ý kiến, câu hỏi của nông dân Việt Nam chưa trả lời trực tiếp sẽ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp, gửi đến các bộ, ngành và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có văn bản trả lời gửi đến nông dân cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của các đại diện nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp và quý vị đại biểu, đặc biệt là những vấn đề đưa ra thảo luận rất trúng và thiết thực, sát thực tiễn nông nghiệp, nông thôn; cảm ơn Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh Sơn La chuẩn bị và tổ chức chu đáo.


Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khoá X chúng ta đã thu được những kết quả trên cơ sở đối thoại của các năm vừa qua, từ các cuộc đối thoại đã góp phần làm cho nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng; thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, lao động nông thôn chuyển hướng tích cực; xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp đồng bộ, hiện đại hơn, nhất là thiết chế y tế, văn hóa, giáo dục, diện mại nông thôn ngày càng thay đổi, góp phần đảm bảo kinh tê vĩ mô. 


Trong giai đoạn tới, nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu đề ra “phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Cần quán triệt một số quan điểm đã được thống nhất tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội; Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị, môi trường xanh, sạch đẹp.

           

Để hiện thực hóa mục tiêu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề...


Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La tặng Thủ tướng Chính phủ bức ảnh "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc".

 


Thủ tướng Chính phủ tặng quà nông dân tiêu biểu, chuyên gia, doanh nghiệp.


Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ tặng quà 30 nông dân tiêu biểu và các chuyên gia, doanh nghiệp tiêu biểu. Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La tặng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bức ảnh Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

 

Nguồn: Báo Sơn La

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 BAN DÂN TỘC TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 5 tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh, Tổ 7, Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La. 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng Ban

Điện thoại: 0212.3850744 - Email: bdt@sonla.gov.vn 

Giấy phép số: 22/GP-BTTTT do Sở Thông tin - Truyền thông
Cấp ngày 22  tháng 3 năm 2024.

 

 Chung nhan Tin Nhiem Mang