Những “nhịp cầu” đưa chính sách và pháp luật về cơ sở ở Sơn La: “Hạt nhân” củng cố khối đại đoàn kết (Bài 1)
Lượt xem: 303
Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La, không chỉ chủ động tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, còn tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, khẳng định là lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Ông Giàng Chứ Măng (thứ hai từ trái qua) thường xuyên chia sẻ tình hình an ninh trong bản với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La. (Ảnh: N.A)
Ông Giàng Chứ Măng (thứ hai từ trái qua) thường xuyên chia sẻ tình hình an ninh trong bản với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La. (Ảnh: N.A)

Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Sơn La là “hạt nhân” củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần cùng các cấp chính quyền xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, nhất là ở địa bàn biên giới. Họ là những tấm gương sáng trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cuộc sống.

Gương sáng ở Sam Quảng

Trước năm 2022, để vào bản Sam Quảng, xã biên giới Mường Lèo (huyện Sốp Cộp), dù chỉ cách trung tâm xã hơn 10km, nhưng cũng phải mấy tiếng đồng hồ, nhất là vào mùa mưa, bởi đường chưa được cứng hóa. Để rút ngắn khoảng cách phát triển cho bản Sam Quảng, năm 2018, tuyến đường nối trung tâm xã với bản Sam Quảng được đầu tư; chính thức hoàn hành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021, giúp 52 hộ dân của bản (100% là đồng bào dân tộc Mông) đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế.

Là Người có uy tín của bản Sam Quảng, ông Giàng Chứ Măng có lẽ là người phấn khởi nhất. Đường giao thông nối bản với trung tâm xã được đầu tư, không chỉ giúp bản phát triển kinh tế mà con đường đến trường của con em trong bản cũng bớt gập gềnh hơn.

Rồi ông bảo, từ khi có đường, việc tuyên truyền, vận động của những Người có uy tín như ông thuận tiện hơn rất nhiều. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông đã ít đi rừng, tuần tra biên giới cùng với cán bộ, chiến sỹ biên phòng. Giờ ông chỉ đi lại trong bản, đến các nhà động viên bà con giữ gìn biên cương, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy ước, hương ước của bản.

Theo Thiếu tá Quàng Văn Kiểm (Đồn Biên phòng Mường Lèo) - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Lèo, từ nhiều năm nay, ông Giàng Chứ Măng được người dân trong bản tin tưởng tuyệt đối. Là Người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông Măng đã phát huy trách nhiệm, vai trò của mình trên các mặt công tác của địa phương. Bằng tâm huyết và nỗ lực của mình, ông Măng trở thành “cầu nối” giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Riêng năm 2020, ông Măng đã cung cấp cho Đồn Biên phòng Mường Lèo, 10 tin có giá trị liên quan đến việc nhập cảnh trái phép qua biên giới, góp phần đắc lực trong việc ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào tuyến biên giới trên địa bàn xã Mường Lèo. Không những vậy, với vai trò là Nhóm trưởng nhóm liên gia tự quản, ông Giàng Chứ Măng thường xuyên động viên, hòa giải các vụ việc phức tạp gây mâu thuẫn, mất đoàn kết trong Nhân dân, củng cố mối đoàn kết toàn dân và giữ gìn bản sắc dân tộc, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Theo Báo cáo số 282/BC-BDT ngày 14/10/2022 của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, toàn tỉnh hiện có 2.251 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Năm 2022, toàn tỉnh có 239 người có uy tín ở các bản đặc biệt khó khăn được cấp phát điện thoại thông minh do Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ. Đây là nguồn động viên, đồng thời hỗ trợ Người có uy tín cập nhật, truy cập các Cổng thông tin liên quan đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc vùng đồng bào dân DTTS của tỉnh.

Thiếu tá Quàng Văn Kiểm chia sẻ thêm, xã Mường Lèo có 13 bản với 3 dân tộc anh, em sinh sống (Thái, Khơ mú, Mông). Từ năm 2007 đến nay, thực hiện cuộc vận động “5 có, 5 không” theo đề xuất của Ủy ban MTQT Việt Nam tỉnh Sơn La (chuyển thể nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thực hiện trong vùng đồng bào DTTS một cách ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện – Pv), đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS của xã là “hạt nhân” tích cực trong tuyên truyền, thực hiện cuộc vận động.

Việc thực hiện hiệu quả cam kết “5 có, 5 không” đã tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân các dân tộc trên địa bàn xã; người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các dòng họ luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; từng bước thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới hỏi, lễ tang, lễ hội; thay đổi thói quen du canh, du cư; loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu nhìn từ trên cao
Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu nhìn từ trên cao

“ Hạt nhân” xây dựng nếp sống mới

Ông Giàng Chứ Măng ở bản Sam Quảng là một trong hàng nghìn lượt Người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh Sơn La đã được bầu chọn trong những năm qua. Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh đã phát huy và thể hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, là nhân tố tích cực trong tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.

Ở bản Tà Ẻn xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, có 107 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Xinh Mun sinh sống. Từ bản nghèo, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới nên cuộc sống của đồng bào Xinh Mun nơi đây đã từng bước đổi thay. Đóng góp cho sự đổi thay của bản có vai trò của ông Vì Văn Vầu, Người uy tín của bản.

Theo ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La, đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, nhất là ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thì hệ thống luật tục mang đậm nét dân tộc (trong đó có cả những luật tục tốt, có ý nghĩa tích cực, tiến bộ và cả những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan) chi phối, tác động ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống sinh hoạt của người dân và cả cộng đồng dân cư. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Người có uy với tâm huyết và lòng tự hào dân tộc đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

“Người có uy tín thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng trong việc bảo vệ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc”, ông Toán cho biết.

Bên cạnh đó, Người có uy tín đã tham gia giải quyết ổn định nhiều vụ tranh chấp đất đai; tuyên truyền vận động người thân trong gia đình, Nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Giữ gìn an ninh trật tự”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư. Đặc biệt ở địa bàn biên giới của tỉnh, Người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về đường biên, cột mốc, góp phần tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.

Ông Tráng Lao Lử (thứ hai từ phải sang)- người có uy tín của bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. (Ảnh: K.N)
Ông Tráng Lao Lử (thứ hai từ phải sang)- người có uy tín của bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. (Ảnh: K.N)

Ông Tráng Lao Lử, Người có uy tín của bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài (huyện Yên Châu) là một ví dụ điển hình. Năm nay, đã bước sang tuổi 83, song ông vẫn tích cực tham gia, phát huy trách nhiệm, dùng uy tín của mình để vận động người dân tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc giới, đảm bảo an toàn trật tự khu vực biên giới.

Đặc biệt trong thực hiện đề án kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới, bản Lao Khô I và bản Nà Khạng (cụm Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, Lào) được chọn làm điểm, ông Lử đã tích cực vận động Nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm các nội dung trong quy chế kết nghĩa.

Qua thực hiện các nội dung kết nghĩa, việc chấp hành các hiệp định về biên giới quốc gia Việt Nam - Lào được Nhân dân hai bên cam kết và chấp hành, thực hiện tốt; tình trạng xâm canh, xâm cư giảm rõ rệt. Khi có vấn đề mâu thuẫn nảy sinh liên quan đến phong tục tập quán, thông qua hoạt động kết nghĩa bản - bản, nội bộ, Nhân dân hai bên biên giới đã phối hợp cùng nhau giải quyết, xử lý trong phạm vi thẩm quyền, theo đúng pháp luật và phong tục tập quán của mỗi bên.

Theo Báo cáo số 149/BC – BDT ngày 22/6/2022 của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, giai đoạn 2011 – 2021, bên cạnh tổ chức thăm hỏi, động viên, tăng quà và khen thưởng hằng năm, toàn tỉnh đã tổ chức 114 hội nghị phổ biến cung cấp thông tin cho 1.1971 lượt Người uy tín trên địa bàn; các huyện cũng đã tổ chức 31 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 1.616 Người có uy tín. Qua các hội nghị đã kịp thời cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao kiến thức pháp luật, quốc phòng an ninh cho Người có uy tín.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 BAN DÂN TỘC TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 5 tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh, Tổ 7, Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La. 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng Ban

Điện thoại: 0212.3850744 - Email: bdt@sonla.gov.vn 

Giấy phép số: 22/GP-BTTTT do Sở Thông tin - Truyền thông
Cấp ngày 22  tháng 3 năm 2024.

 

 Chung nhan Tin Nhiem Mang