HIỂU ĐÚNG QUAN ĐIỂM “VẤN ĐỀ DÂN TỘC LÀ VẤN ĐỀ CHIẾN LƯỢC, CƠ BẢN, LÂU DÀI, SONG CŨNG LÀ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM”
Đảng ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc và công tác dân tộc là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta
Việt Nam - quốc gia có truyền thống lịch sử lâu đời, là nơi sinh sống của 54 dân tộc anh em trải dài trên mảnh đất hình chữ S từ Bắc vào Nam. Trong tiến trình phát triển hàng ngàn năm, các dân tộc ở Việt Nam luôn luôn sát cánh bên nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với truyền thống: “Bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Xuất phát từ đặc điểm đó, ông cha ta đã thực thi nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề dân tộc trước yêu cầu phát triển quốc gia. Chính vì vậy, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Ảnh minh họa
Hiện nay, trước sự tác động của cách mạng khoa học công nghệ, xu thế toàn cầu hoá kinh tế diễn ra mạnh mẽ, làm cho quan hệ giai cấp, dân tộc diễn biến phức tạp, khó lường. Như Đảng ta đã nhận định: trên thế giới, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn trong quan hệ giữa các dân tộc. Toàn cầu hoá và các vấn đề toàn cầu làm cho sự hiểu biết lẫn nhau và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc tăng lên, thúc đẩy xu thế khu vực hoá. Đồng thời các dân tộc đề cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, chống can thiệp áp đặt và cường quyền. Mặt khác, quan hệ dân tộc, sắc tộc hiện nay trên thế giới vẫn diễn ra rất phức tạp, nóng bỏng ở cả phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Mâu thuẫn, xung đột dân tộc, sắc tộc, xu hướng li khai, chia rẽ dân tộc đang diễn ra ở khắp các quốc gia, các khu vực, các châu lục trên thế giới,... Đúng như Đảng ta nhận định: Những cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, li khai, hoạt động khủng bố, những tranh chấp biên giới, lãnh thổ, biển đảo và các tài nguyên thiên nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp. Vấn đề quan hệ dân tộc, sắc tộc đã gây nên những hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường cho các quốc gia, đe doạ hoà bình, an ninh khu vực và thế giới.
Ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa đế quốc đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình” chống Việt Nam với phương châm lấy chống phá về chính trị, tư tưởng làm hàng đầu, kinh tế là mũi nhọn, ngoại giao làm hậu thuẫn, dân tộc, tôn giáo làm ngòi nổ, kết hợp với bạo loạn lật đổ, uy hiếp, răn đe, gây sức ép về quân sự. Các thế lực thù địch đang lợi dụng các đặc điểm trong quan hệ dân tộc-tộc người, nhất là lợi dụng tính nhạy cảm của tâm lý dân tộc, tâm lý tôn giáo, những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm kích động chia rẽ đoàn kết các dân tộc, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Do đó, việc nhận thức đầy đủ về các đặc điểm trong quan hệ dân tộc-tộc người có ý nghĩa rất lớn trong hoạch định và thực hiện đúng chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay.
Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc và công tác dân tộc là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nhận thức vấn đề dân tộc và giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, nên Đảng ta đã xây dựng chính sách dân tộc, coi đó là một bộ phận hữu cơ trong chính sách của Đảng. Với quan điểm cách mạng là sáng tạo không ngừng, trong thời kỳ đổi mới, chính sách dân tộc của Đảng ta vừa đảm bảo tính nhất quán, vừa đổi mới trước yêu cầu phát triển và hội nhập nhằm giải quyết thành công vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay và trong tương lai.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc (gọi tắt là Nghị quyết số 24). Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ta về vấn đề này trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đã chỉ rõ: “Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Ðảng ta đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển” [1]. Đồng thời, nghị quyết cũng đưa ra 5 quan điểm giải quyết vấn đề dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nội dung cốt lõi được xác định là: “Vấn đề dân tộc và đại đoàn kêt dân tộc là vấn đề chiến lược. Đó là vấn đề cơ bản, lâu dài, song cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam” [2]. Đây là quan điểm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc giải quyết các vấn đề dân tộc trong bối cảnh cách mạng mới của Đảng ta hiện nay. Việc nhận thức đúng đắn nội dung và ý nghĩa của quan điểm này sẽ giúp chúng ta giải quyết hiệu quả và hợp lý các vấn đề dân tộc đã và đang đặt ra trong thực tiễn, khắc phục và phản bác các luận điệu xuyên tạc và lợi dụng vấn đề dân tộc để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thứ nhất: vấn đề dân tộc là vấn đề chiến lược. Quan điểm này chỉ rõ vị trí của vấn đề dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Vấn đề dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề dân tộc gắn kết chặt chẽ với vấn đề giai cấp. Giải quyết vấn đề dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là luận điểm rất quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới trong bối cảnh quốc gia và quốc tế của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới. Mặt khác, các vấn đề dân tộc hiện nay phần lớn tập trung ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là những vùng địa bàn chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế và đối ngoại. Giải quyết tốt các vấn đề dân tộc chính là góp phần giữ vững ổn định các địa bàn chiến lược, bảo toàn vững chắc biên giới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Khi xác định vấn đề dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, Đảng ta đã quán triệt sâu sắc các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta. Điều này tiếp tục được khẳng định trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách của Nhà nước trong những năm đổi mới, đặt nền tảng quan trọng để Đảng và Nhà nước ta xây dựng đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn, giải quyết thành công vấn đề dân tộc.
Thứ hai: vấn đề dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài. Việc xác định vị trí chiến lược lâu dài của vấn đề dân tộc và công tác dân tộc của Đảng ta chính là xuất phát từ đặc điểm của cộng đồng quốc gia đa dân tộc ở nước ta. Đây là cơ sở rất quan trọng để từ đó định ra các nguyên tắc cũng như chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Lênin đã từng chỉ rõ: “những sai biệt về mặt dân tộc và quốc gia giữa các dân tộc và các nước, những sai biệt này sẽ còn tồn tại lâu dài ngay cả sau khi nền chuyên chính vô sản được thiết lập trong phạm vi toàn thế giới” [3]. Điều đó cho thấy chừng nào còn có sự khác biệt về dân tộc thì dân tộc vẫn tồn tại và vẫn còn cơ sở xã hội và thực tiễn cũng như nguy cơ tiềm ẩn mâu thuẫn dân tộc và xung đột dân tộc, do đó, vấn đề dân tộc vẫn tiếp tục đặt ra.
Đối với nước ta, vấn đề dân tộc thiểu số vừa là vấn đề giai cấp, vừa là vấn đề miền núi, vừa là vấn đề biên cương, vấn đề an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ, đồng thời đây cũng là vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà Đảng ta đã đề ra. Sự tồn tại lâu dài của vấn đề dân tộc nhất là trong điều kiện quốc gia đa tộc người, đa dạng về văn hóa là đặc điểm lớn ở nước ta, là đặc trưng diện mạo lịch sử, văn hóa Việt Nam. Hiến pháp 2013 chỉ rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” [4].
Vấn đề dân tộc sẽ còn tồn tại lâu dài. Bởi do dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc không đều nhau; do sự khác biệt về lợi ích; do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, tâm lí; do tàn dư tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc; do thiếu sót, hạn chế trong hoạch định, thực thi chính sách kinh tế - xã hội của nhà nước cầm quyền; do sự thống trị, kích động chia rẽ của các thế lực phản động đối với các dân tộc. Vấn đề dân tộc không thể giải quyết được trong một sớm một chiều mà phải có thời gian, qua quá trình bằng nhiều giai đoạn với những bước đi thích hợp để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trên từng vấn đề cụ thể giữa các dân tộc.
Thứ ba: Vấn đề dân tộc là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Đảng ta nêu cụm từ “cơ bản, cấp bách” trong quan điểm, đường lối về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương quan tâm đến công tác dân tộc, ban hành nhiều chính sách dân tộc, giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp bách về công tác dân tộc. Quốc hội và Chính phủ bố trí ngân sách đầu tư thực hiện các chính sách dân tộc ngày càng lớn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, đô thị vùng dân tộc có những đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc, miền núi được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay, dưới tác động của cơ chế thị trường và xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm xuất hiện nhiều vấn đề dân tộc mới mang tính chất phức tạp và khó nắm bắt. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 về công tác dân tộc, Đảng ta đã nhận định: “đến nay, một số mục tiêu quan trọng Nghị quyết đề ra vẫn chưa thực hiện được. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung chuyển biến chậm. So với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội” [5].
Tất cả những vấn đề nêu trên nếu không được phát hiện kịp thời và giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá vỡ sự ổn định của các dân tộc và đe dọa nền hòa bình của đất nước. Bài học của nhiều quốc gia trên thế giới những năm cuối thế kỷ XX cho thấy nếu coi nhẹ vấn đề dân tộc và không xác định đúng vị trí vấn đề dân tộc trong chiến lược phát triển quốc gia, không giải quyết kịp thời và triệt để các vấn đề dân tộc thì tất yếu dẫn đến xung đột dân tộc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đe dọa sự tồn vong quốc gia và thậm chí dẫn đến nguy cơ sụp đổ nhà nước.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến công tác dân tộc và giải quyết các vấn đề dân tộc. Quan điểm “vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách” tiếp tục được khẳng định nhất quán và xuyên suốt qua các kỳ đại hội sau này. Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển” [6].
Ngày 17/10/2019, Tại phiên họp của Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc, Đảng ta đã đánh giá công tác dân tộc thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế, trên cơ sở đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW xác định: “công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị”, [7] đồng thời đề ra nhiều biện pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24 nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định những nội dung cốt lõi của công tác dân tộc trong giai đoạn tới: “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển…nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” [8].
Có thể thấy, quan điểm “vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược. Đó là vấn đề cơ bản, lâu dài, song cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam” được Đảng ta khẳng định xuyên suốt qua các kỳ đại hội, các hội nghị trung ương. Việc nhận thức đúng đắn và đầy đủ quan điểm này là tiền đề, là điều kiện quan trọng để giải quyết thành công vấn đề dân tộc, thực hiện tốt công tác dân tộc ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các dân tộc Việt Nam “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”.
Chú thích
[1], [2] Nghị quyết số 24, ngày 12/3/2003, Hội Nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc.
[3] Viện Sử học: Chủ nghĩa Mác - Lênin bàn về lịch sử, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, tr.320-321.
[4] Khoản 1, 2, 3, 4 (Điều 5, Hiến pháp năm 2013).
[5], [7] Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr164.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2021, t.1, tr.170.
GV Bạc Thị Bình - Trường Chính trị tỉnh Sơn La