Tái hiện, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Mợi của người Mường tại bản Cù 1, xã Huy Tân, Phù Yên
Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La phối hợp với UBND huyện Phù Yên tổ chức trình diễn, tái hiện, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Mợi của người Mường tại bản Cù 1, xã Huy Tân, Phù Yên nhằm góp phần nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch.
Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung của Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" giai đoạn I của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Thầy Mợi đang thực hiện nghi lễ mời tổ tiên và các thần linh về dự lễ
Đồng bào Mường ở bản Cù 1, xã Huy Tân, Phù Yên có văn hóa, tín ngưỡng dân gian phong phú, trong đó có Lễ hội Mợi nhằm tưởng nhớ tới Tổ Mợi đã có công xây dựng, gìn giữ, phát triển các hoạt động văn hoá tâm linh quan trọng, có công sinh thành và khai khẩn mở mang đất Mường. Lễ hội Mợi được tổ chức vào dịp đầu xuân, mong ước tạo không khí phấn khởi để bước vào vụ sản xuất mới thắng lợi, mùa màng bội thu. Lễ hội có ý nghĩa quan trọng đối với các thầy Mợi, việc tổ chức lễ hội nhằm tỏ lòng tôn kính và cảm ơn đối với tổ Mợi đã phù hộ cho mọi người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản mường no ấm.
Theo truyền thống, Lễ hội Mợi gồm phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, ngay từ sáng sớm, các thầy Mợi và gia đình chuẩn bị các mâm lễ cúng. Tiếp đó, thầy Mợi dùng lời hát đang, hát ví truyền thống của người Mường mời tổ tiên Mợi từ trên trời xuống trần gian; sau đó mời tổ tiên bên nội, tổ tiên bên ngoại, thần thổ địa, thần sông, thần núi, cùng với tổ mợi về hưởng lễ, hương hoa, phù hộ cho con cháu, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, bản mường no ấm.
Đan xen với phần lễ là phần múa Mợi và các trò diễn. Mọi người trong bản tham gia cầm các ống tre xuống và gõ vào nhau tạo nền nhạc rộn ràng cho các điệu múa Mợi. Điệu múa Mợi của người Mường vừa uyển chuyển, nhịp nhàng, vừa mạnh mẽ, say sưa. Bên cạnh điệu múa Mợi là các trò diễn như trọc lỗ tra hạt, trâu đi cày, gieo hạt, gặt lúa... Kết thúc lễ, thầy Mợi báo cáo với tổ tiên Mợi rằng dân bản đã vui lễ hội xong, xin phép dùng điệu múa trầu tiễn tổ tiên Mợi về trời.
Các Thầy Mợi tham gia các trò diễn trong lễ hội
Thông qua buổi trình diễn, tái hiện, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Mợi của người Mường nhằm bảo vệ di sản, đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa Lễ hội Mợi của người Mường, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản đối với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý và nhân dân trên địa bàn. Khuyến khích tính sáng tạo và lòng tự tôn về văn hóa truyền thống với những biểu đạt và thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời, tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân- chủ thể văn hóa nắm giữ và phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.
Việc phục dựng Lễ hội Mợi của dân tộc Mường tại bản Cù 1, xã Huy Tân, Phù Yên mang ý nghĩa nhân văn và cộng đồng trong đời sống văn hóa. Qua đó, người dân được đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh lành mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, hướng tới xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tạo sức lan tỏa tới du khách trong và ngoài nước.
Trang Nguyễn