GÓP PHẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ QUYỀN BÌNH ĐẲNG CỦA CÁC DÂN TỘC TRONG CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM, ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC
Lượt xem: 1798
Việt Nam là quốc gia gồm 54 tộc người, trong đó có 53 tộc người thiểu số, chiếm 14,68% dân số cả nước, với hơn 14 triệu người. Các tộc người thiểu số cư trú thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung, chiếm ¾ diện tích cả nước. Sự đa dạng về thành phần dân tộc làm nên nét độc đáo trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung

Đảng ta cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu, tất cả các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. Điều này thể hiện nhất quán trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng qua các thời kỳ cách mạng.

Tại Đại hội ĐBTQ lần thứ VI (1986), Đảng nêu quan điểm: “Sự nghiệp đẩy mạnh ba cuộc cách mạng ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đòi hỏi tăng cường công tác nghiên cứu về dân tộc và công tác điều tra xã hội học, hiểu biết đầy đủ những khác biệt cụ thể của từng vùng, từng dân tộc. Trên cơ sở đó, bổ sung, cụ thể hóa và thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc, tránh những sai lầm, rập khuôn hoặc chủ quan áp đặt những hình thức tổ chức không phù hợp trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc… Trong khi xử lý các mối quan hệ dân tộc phải có thái độ thận trọng đối với những gì liên quan đến lợi ích của mỗi dân tộc và tình cảm dân tộc của mỗi người. Chống những thái độ, hành động biểu thị tư tưởng “dân tộc lớn” và những biểu hiện của tư tưởng dân tộc hẹp hòi”. Tư tưởng chiến lược về đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được khẳng định rõ hơn trong tiến trình đổi mới. Gần đây, tại Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, vấn đề dân tộc tiếp tục được quan tâm, chú trọng, nội dung cơ bản thống nhất với các kỳ Đại hội trước, đó là: Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc. Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất.

Thế nhưng, suốt thời qua, bất chấp những thành tựu nổi bật trong tiến trình đổi mới đất nước trên các lĩnh vực nói chung và trong việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng của Đảng và Nhà nước ta. Các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc, chống phá bằng nhiều thủ đoạn, luận điệu, chiêu trò nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phủ nhận những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được. Đây là vấn đề không mới, nhưng hết sức nguy hiểm, bởi nó đánh vào nền tảng sức mạnh tổng hợp của toàn dân và đất nước, làm suy yếu nước ta từ bên trong, tạo mầm mống để thúc đẩy tư tưởng ly khai, cát cứ trên từng khu vực, địa bàn, nhất là trên các địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng, từ đó gây sự bất ổn định về chính trị,... để dễ bề kêu gọi can thiệp từ bên ngoài.

Hình ảnh: Công tác nắm tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Ban Dân tộc tỉnh Sơn La thường xuyên quan tâm thực hiện.

Một trong những luận điệu của các thế lực thù địch là xuyên tạc về sự bất bình đẳng của các dân tộc, chúng cố tình lập luận rằng ở Việt Nam thì người Kinh được tôn trọng, ưu tiên và tạo nhiều điều kiện để phát triển hơn so với các dân tộc thiểu số khác. Khi nêu luận điểm trên, các thế lực thù địch thường dựa vào một thực trạng đang hiện hữu ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là tại vùng cao, đó là người Kinh ở đây làm giàu rất nhanh, trong khi sự phát triển của nhiều dân tộc thiểu số lại chậm, thậm chí trì trệ, khiến nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số khó thoát khỏi vòng đói nghèo, thậm chí khi gia đình gặp sự cố còn phải bán cả đất đai, nhà cửa và tài sản có giá trị khác để giải quyết, một số phải đi làm thuê để kiếm sống, nhất là làm thuê cho người Kinh. Thực tế cũng cho thấy, hiện nay hầu hết mạng lưới thương nghiệp lớn và chính thức ở khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số chủ yếu là do hệ thống thương mại nhà nước kiểm soát hay tư thương người Kinh thực hiện. Bên cạnh đó, hiện tượng cho vay nặng lãi tự phát của một vài người là người Kinh, mà con nợ thường là người dân tộc thiểu số nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn cũng đang diễn ra và có dấu hiệu gia tăng… Từ một số biểu hiện bề nổi đó, một số công trình nghiên cứu của nước ngoài đã cho rằng, người Kinh chính là dân tộc được hưởng lợi, hoặc hưởng lợi nhiều hơn các dân tộc khác trong công cuộc Đổi mới ở Việt Nam. Đây là luận điểm khá nguy hiểm, bị các lực lượng thù địch lợi dụng để đưa ra luận điệu vu cáo "người Kinh bóc lột các dân tộc thiểu số", xuyên tạc bản chất tốt đẹp trong chính sách phát triển và những thành quả mà đất nước ta đạt được trong thời kỳ đổi mới và kích động về "quyền được phát triển" của các dân tộc thiểu số,...

Hay trong lĩnh vực văn hóa, cũng xuất hiện một số luận điệu xuyên tạc, chống phá cho rằng các dân các dân tộc thiểu số đang bị văn hóa của người Kinh “đồng hóa” toàn diện làm cho “mất đi bản sắc văn hóa”. Thực tế cuộc sống cho thấy, qua các hoạt động trao đổi trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thương... Các dân tộc thiểu số tiếp thu văn hóa của dân tộc Kinh bởi nhiều lý do, như: để phù hợp và thích nghi với các điều kiện môi trường - kinh tế - xã hội đang biến đổi theo cơ chế hấp thụ tự nguyện của người dân. Từ cách thức tổ chức sinh hoạt hàng ngày, tới việc ăn mặc, dựng nhà cửa để ở, xây nhà sinh hoạt cộng đồng, nói tiếng phổ thông nhiều hơn… để tiện cho việc giao tiếp, trao đổi là một phần của quá trình hòa nhập văn hóa giữa các tộc người, theo cơ chế tự nguyện, thích nghi, chứ hoàn toàn không phải sự “cưỡng bức” về văn hóa. Vậy thực chất, mục đích của các luận điệu trên là cố tình gây kích động, chia rẽ nhằm làm tăng nguy cơ gây mâu thuẫn dân tộc ở nước ta. Họ cố tình xuyên tạc rằng, chính sách văn hoá của Nhà nước ta bị chế ngự, chi phối bởi khái niệm về "sự bảo tồn có chọn lọc", theo đó Đảng và Nhà nước quyết định khía cạnh nào của văn hoá dân tộc có đủ giá trị để được duy trì, khía cạnh nào nên lại bỏ đi và khía cạnh nào phải nên thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội.

Trước hết, cần khẳng định vấn đề tộc người đa số thường phát triển hơn các dân tộc thiểu số ở trong mỗi nước cũng là hiện tượng phổ biến đã và đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia đa tộc người trên thế giới, được coi như là một quy luật khách quan chứ không riêng ở Việt Nam; và đó cũng không phải là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Quyền được bình đẳng, tự do phát triển của dân tộc là chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không chỉ trong các văn kiện của Đảng, mà trên thực tế, đồng bào dân tộc được bình đẳng, được tôn trọng thực sự; không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà cả trên lĩnh vực chính trị, và văn hóa xã hội, phát triển ngôn ngữ và văn học đồng bào đều được gìn giữ, bảo tồn. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, tại Điều 5 cũng quy định rõ: “1. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về vấn đề quyền bình đẳng giữa các dân tộc được khẳng định trong thực tiễn; quyền và nghĩa vụ công dân cũng như đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo, không ngừng được nâng lên. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam không có dân tộc nào là “dân tộc bản địa”; không hề có vấn đề phân biệt đối xử đối với các dân tộc thiểu số, mà đều chung sống bình đẳng trong đại gia đình Việt Nam. 

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều chương trình của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 143 (Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005, được phê duyệt theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg, ngày 27-9-2001, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, được phê duyệt theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31-7-1998, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 134 (một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ); Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; cùng nhiều các chính sách về giáo dục, y tế đã và đang được triển khai trên khắp cả nước… Có thể nói, cho đến nay, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Các chương trình đã đem lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta. Nhờ vậy, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt so với trước thời kỳ đổi mới, trên tất cả các phương diện: ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin…

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chính sách dân tộc của Đảng ta về thực chất là áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào giải quyết quan hệ dân tộc, tiếp tục vận dụng sáng tạo nguyên tắc “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, đó là giải quyết mối quan hệ giữa cái toàn thể với cái bộ phận; giữa dân tộc chiếm đa số với dân tộc thiểu số, là xóa bỏ bất bình đẳng giữa các dân tộc, mà căn nguyên của nó là khác biệt về điều kiện phát triển, về lợi ích, là cơ sở dễ dẫn đến sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các dân tộc. Xóa bỏ sự khác biệt trong quan hệ giữa các dân tộc là cơ sở đi đến bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau. Thực hiện tốt chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, xóa dần sự cách biệt giữa các vùng miền, giữa các dân tộc là nhiệm vụ lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương. Thực hiện tốt công tác này sẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay./.

Ctv: Trần Thị Long – Trường Chính trị tỉnh Sơn La

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 BAN DÂN TỘC TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 5 tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh, Tổ 7, Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La. 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng Ban

Điện thoại: 0212.3850744 - Email: bdt@sonla.gov.vn 

Giấy phép số: 22/GP-BTTTT do Sở Thông tin - Truyền thông
Cấp ngày 22  tháng 3 năm 2024.

 

 Chung nhan Tin Nhiem Mang