Xây dựng vùng biên thắm tình hữu nghị và phát triển
Lượt xem: 140
Sơn La là tỉnh miền núi, có trên 274 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Bang của nước CHDCND Lào. Để làm tốt công tác biên giới lãnh thổ, tiếp tục vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng biên; qua đó xây dựng vùng biên hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL cho Nhân dân khu vực biên giới được Sơn La chú trọng. (Trong ảnh: tổ chức tuyên truyền, vận động và PBGDPL tại 2 bản Huổi Hịa, Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp)
Công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL cho Nhân dân khu vực biên giới được Sơn La chú trọng. (Trong ảnh: tổ chức tuyên truyền, vận động và PBGDPL tại 2 bản Huổi Hịa, Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp)

Biên cương thắm tình hữu nghị

Sốp Cộp là huyện có đường biên giới giáp Lào dài nhất tỉnh Sơn La, với gần 125 km đường biên và 50 mốc quốc giới. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các lực lượng vũ trang ở huyện biên giới Sốp Cộp, đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo đảm an ninh, chủ quyền và hợp tác hữu nghị với các huyện giáp ranh nước bạn Lào, góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Một trong những giải pháp để xây dựng vùng biên vững chắc được huyện Sốp Cộp chú trọng, là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL cho Nhân dân khu vực biên giới. Nhờ đó, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới của nắm rõ các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác biên giới, lãnh thổ, từ đó chủ động, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Anh Vừ A Súa, dân tộc Mông, ở bản Pá Vai, xã Nậm Lạnh (huyện Sộp Cộp), cho biết: Được tuyên truyền, vận động, nên người dân ở bản nắm được quy chế biên giới, không vượt biên trái phép sang nước bạn. Đồng thời, dân bản cũng nhận thức được việc bảo vệ đường biên, mốc giới chính là bảo vệ cuộc sống của gia đình, nên bà con luôn tự nguyện tham gia, không để tình trạng phá hoại, vượt biên trái phép xảy ra.

“Mỗi lần lên nương rẫy, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào ảnh hưởng đến đường biên, chúng tôi đều thông báo cho cán bộ Đồn Biên phòng và xã biết để kịp thời xử lý”, anh Súa chia sẻ.

Với nguồn lưc đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đời sống của Nhân dân khu vực biên giới tỉnh Sơn La ngày càng được nâng lên. (Trong ảnh: Mô hình trồng cam ở xã biên giới Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp đem lại giá trị kinh tế cao - Ảnh: TL)
Với nguồn lưc đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đời sống của Nhân dân khu vực biên giới tỉnh Sơn La ngày càng được nâng lên. (Trong ảnh: Mô hình trồng cam ở xã biên giới Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp đem lại giá trị kinh tế cao - Ảnh: TL)

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và PBGDPL cho đồng bào các dân tộc ở địa bàn biên giới của huyện, huyện Sốp Cộp cũng đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ Nhân dân phía bạn. Chỉ tính trong năm 2020 và năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, huyện đã hỗ trợ các huyện Mường Ét, Mường Son (tỉnh Hủa Phăn) và huyện Phôn Thoong (tỉnh Luông Pha Băng) mỗi huyện 30 triệu đồng mua khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn nhanh và máy đo thân nhiệt. Trong tháng 3/2022, huyện phối hợp với Công an tỉnh Sơn La bàn giao và đưa 15 trụ sở Công an của các cụm bản thuộc hai tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Bang vào sử dụng.

Ông Đào Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết, cùng với nhận thức về công tác biên giới của Nhân dân được nâng lên, thì những hoạt động hỗ trợ lẫn nhau giữa Sốp Cộp và phía bạn càng làm tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho Nhân dân về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và Nhân dân vùng biên cùng quyết tâm xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển.

Diện mạo mới ở vùng biên tỉnh Sơn La. (Trong ảnh: Một góc huyện biên giới Sộp Cộp)
Huyện biên giới Sốp Cộp đang ngày càng phát triển

Hợp tác cùng phát triển

Cũng như huyện Sốp Cộp, các địa phương có chung đường biên giới với Lào trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua, cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, PBGDPL để Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác biên giới. Tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào càng được vun dắp thêm từ những hoạt động hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Tại huyện Sông Mã - địa phương có 43,5 km đường biên giáp với huyện Mường Ét (tỉnh Hủa Phăn), từ năm 2016 đến nay, hai huyện đã tổ chức 7 hội nghị giao ban biên giới, ký 7 biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 năm 2020, huyện Sông Mã đã hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế cho huyện Mường Ét với tổng giá trị 200 triệu đồng.

Để xây dựng vùng biên vững mạnh, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi để giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế.

Tại huyện Sông Mã, theo Chủ tịch UBND huyện Lò Văn Sinh, hằng năm, huyện huy động nguồn lực tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại các xã, bản, cụm bản biên giới giáp ranh với huyện Mường Ét; hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác tuần tra song phương, mua sắm trang thiết bị cho các cụm bản giáp ranh.

Diện mạo mới ở vùng biên tỉnh Sơn La. (Trong ảnh: Huyện biên giới Sông Mã nhìn từ trên cao)
Diện mạo mới ở vùng biên tỉnh Sơn La. (Trong ảnh: Huyện biên giới Sông Mã nhìn từ trên cao)

Để xây dựng vùng biên vững mạnh, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi để giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế. 

Tại huyện Sông Mã, theo Chủ tịch UBND huyện Lò Văn Sinh, hằng năm, huyện huy động nguồn lực tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại các xã, bản, cụm bản biên giới giáp ranh với huyện Mường Ét; hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác tuần tra song phương, mua sắm trang thiết bị cho các cụm bản giáp ranh.

Còn tại huyện Sốp Cộp, theo Chủ tịch UBND huyện Đào Đình Thi, thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, Sốp Cộp đã lồng ghép, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng Chương trình 135, huyện đã đầu tư gần 8 tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà văn hóa; 3 tỷ đồng duy tu bảo dưỡng một số công trình phúc lợi, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất…

Đặc biệt, hệ thống đường giao thông, thông tin liên lạc ở địa bàn vùng biên được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi để thông thương hàng hóa giữa Sơn La và phía bạn. Riêng tại huyện Sộp Cộp, từ đầu năm đến nay, các cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã xuất khẩu hơn 300 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt theo nguyện vọng của Nhân dân huyện Mường Son; trong đó gồm 150 tấn vật liệu xây dựng, 135 tấn ngô giống và phân bón, 15 tấn hàng tạp hóa.

Theo đánh giá của Sở Ngoại vụ tỉnh Sơn La, mặc dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh Sơn La và các tỉnh của Lào luôn tăng cường hợp tác về kinh tế theo khả năng điều kiện của mỗi bên. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, để nhận thức sâu sắc về truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt, sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào nói chung và giữa tỉnh Sơn La với 9 tỉnh của Lào nói riêng, góp phần vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Lào nói chung ngày càng phát triển.

Thực hiện Đề án PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021 theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã chủ trì, phối hợp với các sở ngành và các địa phương tổ chức được 21 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL. Nội dung tuyên truyền được phổ biến gồm: Luật Thực hiện Nghị định thư về đường biên giới, mốc Quốc giới; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào; Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 BAN DÂN TỘC TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 5 tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh, Tổ 7, Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La. 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng Ban

Điện thoại: 0212.3850744 - Email: bdt@sonla.gov.vn 

Giấy phép số: 22/GP-BTTTT do Sở Thông tin - Truyền thông
Cấp ngày 22  tháng 3 năm 2024.

 

 Chung nhan Tin Nhiem Mang