Nghi lễ của người Xinh Mun Dạ và người Thái Trắng được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lượt xem: 2794
Nghi lễ Mạng Ma (Cầu sức khỏe) của người Xinh Mun Dạ xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La và Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái Trắng, huyện Quỳnh Nhai, huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 30 tháng 9 năm 2020, Bộ văn hóa thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2726/QĐ-BVHTTDL về việc công bố 23 danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó Sơn La có 02 danh mục đó là Nghi lễ Mạng Ma (Cầu sức khỏe) của người Xinh Mun Dạ xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La và Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái Trắng, huyện Quỳnh Nhai, huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La được Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghi lễ "Mạng ma" - nghi lễ cầu sức khỏe lâu đời của đồng bào Xinh Mun (bản Tràng Nặm, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Lễ hội “Mạng ma” ngoài cầu sức khỏe, còn là dịp con cháu trong gia đình, họ hàng, bà con dân bản được cùng nhau liên hoan đón một vụ mùa mới, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc Xinh Mun.

Ảnh: Nghi lễ "Mạng ma" - nghi lễ cầu sức khỏe lâu đời của đồng bào Xinh Mun (bản Tràng Nặm, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La)

Dân tộc Xinh Mun còn có tên gọi là Puộc, Pụa, cư trú ở vùng biên giới Việt - Lào, chủ yếu ở 2 huyện Yên Châu và Sông Mã, ngoài ra còn sống rải rác ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La của tỉnh Sơn La. Nghi lễ "Mạng ma" đã xuất hiện rất lâu đời và được bảo tồn, lưu giữ qua các thế hệ trong đời sống của đồng bào Xinh Mun. Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân sang, khi hoa ban, hoa mạ nở, măng đắng mọc lên, thì người Xinh Mun lại tổ chức lễ hội “Mạng ma” cầu sức khỏe. "Mạng ma" gồm có phần lễ và phần hội đan xen, thường được tổ chức từ 2 đến 3 ngày tại nhà thầy mo, cầu mong cho thầy mo qua được hạn, có sức khỏe, có người thầy đỡ đầu mới; ngoài ra, còn cầu cho dân bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, không có dịch bệnh... 

Trung tâm của lễ "Mạng ma” là cây vạn vật (xặng bok), tượng trưng cho cây đời. Để chuẩn bị cho cây vạn vật là cả một quá trình công phu. Người chuẩn bị là thầy mo và những “con nuôi” (là người ốm do thầy chữa khỏi) cùng với người dân trong bản. Cây vạn vật là cây tre dài khoảng 4-5m từ mặt sàn đến nóc nhà, được dựng trước gian thờ tổ nghề của thầy mo. Trên cây vạn vật, người ta buộc dây bò khai vào xung quanh cây từ gốc lên đến ngọn; 4 tấm phên đan bằng tre hình xương cá, dài từ gốc lên đỉnh cây vạn vật, được ốp xung quanh cây vạn vật có ý nghĩa dâng những con cá lên thần linh; cài vào thân cây các loại hoa ban, hoa mạ, bông lúa được kết bằng lá tre; treo 2 dây con chim én đan bằng tre dài từ đỉnh cây vạn vật xuống sàn nhà; từ gốc lên đến thân cây khoảng 50cm, chốt một thanh gỗ ngang vẽ hình xương cá treo lên đó một đôi chũm chọe, một chiếc chiêng nhỏ không có núm, một chiếc sừng trâu để uống rượu cần; buộc vào gốc cây 2 cái gậy bằng gỗ 2 củ măng đắng, 2 chum rượu cần.

Ngoài ra, lễ cúng còn có lợn, gà, ve sầu... và các vật dụng người Xinh Mun sử dụng như ô dù, cày, bừa, cào, ống tre... Người ta còn chuẩn bị 2 ngôi nhà sàn bằng gỗ, kích thước nhỏ, vẽ trang trí hình xương cá. 2 ngôi nhà tượng trưng cho bên nội và bên ngoại để mời thần linh xuống ngự trị, phù hộ cho gia đình, con cháu và dân bản làm ăn phát đạt. Xung quanh “xặng bok” là những bàn thờ cùng các mâm cúng với nhiều loại thức ăn.

Chủ trì lễ cúng là 2 thầy mo (có thể là nam hay nữ), ngồi trước mâm cúng chính, thắp 2 cây nến cắm vào chậu gạo, tay cầm quạt bắt đầu cúng mời các thần linh về dự lễ. Thầy mo chính cúng được một lúc thì thầy mo phụ cũng ngồi vào mâm bên cạnh, cúng trợ giúp mời các thần linh về. Thầy mo vừa cúng, vừa cầu xin các thần linh về dự lễ, cho người ốm khỏi bệnh. Sau mỗi lần xin, thầy mo lại bốc gạo ném lên trên quả trứng, nếu có 2 hạt gạo nguyên đậu trên 2 quả trứng nghĩa là thần linh đã chấp nhận. Cúng xong, mỗi thầy mo ăn 1 miếng xôi, 1 miếng thịt làm phép. 

Sau khi cúng mời các thần linh về dự lễ, các thầy mo tiếp tục cúng thần linh phù hộ cho gia chủ và tiễn đưa thần linh về trời. Nội dung bài cúng là cầu xin các vị thần linh phù hộ cho gia chủ khỏe mạnh, sống lâu, có cuộc sống đầy đủ sung túc, xua đi những điều không tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt, cho lúa ngô đầy bồ trên nương, đầy bồ ở nhà để nuôi được nhiều trâu, nhiều bò, nhiều lợn, gà. Cúng xong, thầy mo “mời” các thần linh cùng múa xòe. 2 thầy mo đội vòng hoa lên đầu, lấy khăn buộc ngang eo và quàng cổ, 1 tay cầm quạt, tay kia cầm bó dao, cây ve sầu, gậy tre. 

Đến ngày thứ 3 là ngày của phần hội. Trong âm thanh của tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng sáo hòa nhịp, thầy mo cầm kiếm nhảy múa quanh cây vạn vật và ra hiệu cho mọi người cùng tham gia nhảy múa quanh “xặng bok”. Trong phần hội, người Xinh Mun tổ chức rất nhiều trò chơi như đấu kiếm, cày bừa, trò kéo co, trò tó miếng, trò hái trứng, trò hái tổ ong, trò múa tiễn thần linh về trời...

Lễ hội “Mạng ma” của người Xinh Mun tuy xuất hiện khá lâu đời nhưng hiện vẫn được bảo tồn, gìn giữ đến ngày nay. Qua đó, thể hiện nét đẹp tinh túy nhất về tinh thần, phong tục tập quán và tín ngưỡng của đồng bào Xinh Mun trên rẻo cao Tây Bắc. 

 

Ảnh: Lễ hội truyền thống Kin Pang Then của đồng bào dân tộc Thái trắng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La)

Lễ hội Kin Pang Then là lễ hội tiêu biểu của dân tộc Thái trắng ở Quỳnh Nhai. Then ở đây là thầy mo được quan niệm là cao tay hơn cả. Thầy mo được coi như người của trời cử xuống nhân gian, để cứu giúp loài người trong cuộc sống và có khả năng giao tiếp với thần linh.

Cứ vào dịp đầu năm mới, thầy mo tổ chức lễ cúng và gặp mặt các con nuôi được chính họ giúp đỡ trong cuộc sống. Lễ hội Kin Pang Then được tổ chức với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, không những các con nuôi và người trong bản tham gia, mà nhiều dân ở bản khác cũng đến tham dự. Thời gian cúng có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày, tuỳ thuộc vào số lượng con nuôi đến với “Then” đông hay ít. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân trong bản cùng dâng mâm lễ cảm tạ trời đất và cầu xin sức khỏe, may mắn, phát lộc, phát tài cho con cháu ăn nên làm ra.

Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng đã có từ xa xưa, khi bước sang năm mới phải được tổ chức. Vì ông mo cả năm đi giúp mọi người và những người làm kinh tế khó khăn thì người ta bắt buộc phải cúng để cầu lộc, cầu may cho gia đình.

Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội Kin Pang Then gồm có hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ với lối hát Then truyền thống, qua lời hát, ông Then cầu cho dân làng trong bản sang một năm mới có nhiều điều tốt đẹp, cầu cho con cháu luôn khoẻ mạnh, cầu cho mưa thuận gió hoà, cho mùa màng tươi tốt, bội thu.

Ngoài ra, Kin Pang Then cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình và người thân, là dịp để con cháu tạ ơn thầy mo trong dịp đầu năm mới. Phần lễ đơn giản nhưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, không có yếu tố mê tín dị đoan, mang tính cộng đồng cao, vun đắp tình đoàn kết trong bản, trong mường.

Lễ hội Kin Pang Then mang tính cộng đồng rất cao, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt của người Thái trắng.

Phần hội với những lời hát Then, điệu múa, trò chơi dân gian như: Trò mưa xuống được ông Then xin trời cho mưa xuống để cho mùa màng tươi tốt; trò cày bừa, hái nấm, múa khăn, múa tăng bu tăng bẳng, múa vòng xoè… đã tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, cuốn hút dân bản tham gia. Lễ hội còn là dịp các đôi trai gái trong bản, trong mường gặp gỡ và thể hiện tài năng của mình qua những câu hát, điệu múa. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ hội Kin Pang Then còn nhắc nhở con người phải biết sống đúng đạo lý, thương yêu nhau gắn bó tình bản, nghĩa xóm.

Lễ hội Kin Pang Then của dân tộc Thái trắng huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) không chỉ mang tính cộng đồng cao mà còn góp phần tích cực vào việc vun đắp khối đoàn kết dân tộc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

                                                                                       Nguyễn Hường

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 BAN DÂN TỘC TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 5 tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh, Tổ 7, Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La. 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng Ban

Điện thoại: 0212.3850744 - Email: bdt@sonla.gov.vn 

Giấy phép số: 22/GP-BTTTT do Sở Thông tin - Truyền thông
Cấp ngày 22  tháng 3 năm 2024.

 

 Chung nhan Tin Nhiem Mang