Cách đây 72 năm, ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 về tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ trong đó có Nha Dân tộc thiểu số. Tại sắc lệnh này, nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số được xác định là “Xem xét các vấn đề về chính trị và hành chính về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt nam”.
Căn cứ Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch, ngày 09/9/1946, Chính phủ ban hành Nghị định số 359/ CP thành lập Nha Dân tộc thiểu số với nhiệm vụ: “Nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trên toàn cõi Việt Nam để củng cố nguyên tắc bình đẳng, sự đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất Việt nam”.
Với việc ban hành sắc lệnh và Nghị định trên, hệ thống Cơ quan công tác Dân tộc của nước Việt nam dân chủ cộng hoà đã chính thức ra đời.
Ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ- TTg, lấy ngày 03/5 hàng năm là ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với những người làm công tác dân tộc cả nước.
Sự xuất hiện của bộ máy làm công tác Dân tộc trong điều kiện Chính phủ nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà mới được thành lập, Nhà nước non trẻ do Đảng và Chủ tịch Hồ chí Minh lãnh đạo đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, Tổ quốc đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Hồ Chủ tịch đang phải chèo lái con thuyền cách mạng chống lại thù trong giặc ngoài, phải giải quyết 3 nhiệm vụ lớn là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, trong điều kiện thực dân Pháp đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự và ngoại giao cứng rắn, nhằm đẩy đất nước ta vào một cuộc chiến mới, một lần nữa khẳng định Đảng ta, Bác Hồ của chúng ta đã nhìn xa trông rộng, thấy rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng có tính chiến lược của công tác dân tộc và vấn đề dân tộc trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ra đời trong điều kiện khó khăn ấy, với chức năng là hạt nhân đoàn kết, tập hợp rộng rãi, xây dựng, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc, phục vụ yêu cầu của kháng chiến và nhiệm vụ kiến quốc, một mặt khẳng định sự đúng đắn trong chính sách dân tộc của Đảng. Mặt khác khẳng định, trong lúc phải lo rất nhiều công việc của Quốc gia, thì Đảng và Hồ Chủ tịch không quên đồng bào các dân tộc thiểu số, bởi đối với Đảng ta và Hồ Chủ tịch thì ai cũng là con dân đất Việt, ai cũng cần được chăm lo, quý trọng. Sự ra đời của Cơ quan công tác dân tộc cũng chính là sự xuất hiện của bộ máy tham mưu, giúp Đảng và Chính phủ chăm lo đến việc giải quyết những nhu cầu đặt ra, cần phải giải quyết đối với đồng bào các dân tộc trên toàn cõi Việt Nam.
Trải qua 72 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, với nhiều tên gọi khác nhau (Năm 1946 gọi là Nha Dân tộc trực thuộc Bộ Nội Vụ; năm 1955 gọi là Tiểu ban Dân tộc, sau đó là Ban Dân tộc trực tiếp chịu sự chỉ đạo của Trung ương Đảng; năm 1959, nâng Ban Dân tộc thành Uỷ ban Dân tộc thuộc Hội đồng Chính phủ; sang thời kỳ đổi mới đất nước, Ban Dân tộc Trung ương Đảng hợp nhất với Văn phòng Miền núi và Dân tộc của Chính phủ trở thành Uỷ ban Dân tộc và Miền núi; Ngày 16/5/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2003/ NĐ- CP đổi tên Uỷ ban Dân tộc và Miền núi thành Uỷ ban Dân tộc), hệ thống Cơ quan làm công tác dân tộc và những người làm công tác dân tộc cả nước đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, đó là: "Thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xoá bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ, kinh tế, văn hoá giữa các dân tộc ít người và dân tộc đông người, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no hạnh phúc, đều phát triển về mọi mặt, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, cùng làm chủ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa".
Bẩy mươi hai năm (kể từ khi Bác Hồ ký sắc lệnh đến nay) đồng hành, xây dựng và phát triển cùng đất nước, cùng với tỉnh Sơn La, hệ thống cơ quan làm Công tác dân tộc đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đã có cống hiến, gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác và được tặng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lớp lớp cán bộ của ngành trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tận tụy với công việc; luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu, nêu cao ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ gắn bó với đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao và mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của đồng bào, từng bước làm cho đồng bào các dân tộc tiếp cận với những thành tựu của khoa học kỹ thuật, xây dựng quê hương ngày càng giầu mạnh.
Hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đã thực sự trở thành một bộ phận rất quan trọng trong bộ máy hành chính của Chính phủ, nhằm thực hiện mục tiêu chung là đoàn kết đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập tự do cho đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh cho sự bình đẳng, chống các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ, kỳ thị dân tộc, chống lại tư tưởng dân tộc lớn và tư tưởng dân tộc hẹp hòi, với mục tiêu xuyên suốt là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Suốt 72 năm qua, hệ thống cơ quan làm Công tác dân tộc đã góp phần không nhỏ để tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, làm nên những chiến thắng vĩ đại, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và ngày nay, bằng chính sách dân tộc đúng đắn, công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta đang thu được những kết quả hết sức quan trọng, làm thay đổi về cơ bản tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự xã hội ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc cả nước cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện. Những vấn đề bức xúc, những nguy cơ tiềm ẩn tác động đến tình hình an ninh chính trị của đất nước từng bước được thu hẹp, tình đoàn kết, sự bình đẳng giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Sơn La là một tỉnh miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 82% dân số toàn tỉnh. Do vậy, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh luôn gắn liền với việc giải quyết các vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Từ chỗ xác định đúng vị trí và tầm quan trọng của cơ quan làm công tác dân tộc, nên ngay sau khi Khu Tự trị Thái- Mèo được thành lập (1955), Ban Dân tộc trực thuộc Khu uỷ và Uỷ ban hành chính khu đã ra đời. Sau khi tái lập tỉnh Sơn La, trong giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1987, Uỷ ban Dân tộc trực thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh là cơ quan thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh. Năm 1987, Uỷ ban Dân tộc giải thể, công tác dân tộc được chuyển giao một phần về Ban Dân vận- Dân tộc Tỉnh uỷ, một phần do Ban Định canh định cư - Kinh tế mới đảm nhiệm. Giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1996 chuyển bộ phận công tác dân tộc từ Ban Dân vận tỉnh sang thành lập Ban Dân tộc - Định canh định cư tỉnh. Từ năm 1997 đến tháng 3 năm 2004, thành lập Ban Dân Vận - Dân tộc tỉnh ủy (chuyển bộ phận Ban Dân tộc - Định canh định sang)
Dù được tổ chức với hình thức, tên gọi gì, trực thuộc cấp uỷ hay chính quyền, cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Sơn La đều tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn, động viên đồng bào các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng cuộc sống mới đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - đặc biệt là trong 30 năm đổi mới vừa qua.
Từ năm 1987 đến năm 2004 trong vòng 17 năm phải trải qua 03 lần tách ra, nhập vào, do vậy, công tác dân tộc của tỉnh phần nào bị hạn chế. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngày 18/02/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2004/NĐ - CP về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp. Ngày 13/8/2004, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 95/2004/QĐ-UB thành lập Ban Dân tộc tỉnh Sơn La.
Với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và là cơ quan thường trực triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc quan trọng, tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đề xuất chính sách đặc thù và phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Việc thành lập Ban Dân tộc tỉnh có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đây là việc cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương (khóa IX) đã khẳng định: ‘‘Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam’’.... "Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị".
Tuy nhiên, về tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc tỉnh khi mới thành lập (ngày 13 tháng 8/2004) với biên chế là 10 người gồm: 01 Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban và một phòng chuyên môn, bước đầu còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức: Cơ sở vật chất điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn. Phòng làm việc được bố trí trong trụ sở của Ủy ban nhân dân tỉnh, với 02 phòng làm việc, trong đó 01 phòng của đồng chí Trưởng Ban và 01 phòng Lãnh đạo Ban cùng bộ phận chuyên môn chung 01 phòng. Tổ chức biên chế lúc đó đang trong quá trình sắp xếp, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; các chính sách dân tộc ở tỉnh phân công chưa rõ ràng và giao một số Sở, ngành đảm nhiệm; tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc ở cấp huyện không ổn định do đó gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy Ban Dân tộc đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đến nay, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện đã được củng cố và kiện toàn. Cơ quan Ban Dân tộc tỉnh từ chỗ 10 biên chế cán bộ, công chức, đến nay nâng lên 24 biên chế ; có 05 Lãnh đạo Ban trong đó: 01 Trưởng Ban và 04 Phó Trưởng Ban, 19 cán bộ được cơ cấu tổ chức thành 5 phòng: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Phòng Chính sách dân tộc và Phòng Tuyên truyền- Địa bàn. Thành phần dân tộc của Ban gồm: 5 dân tộc: Thái, Kinh, Mông, Mường, Lào. Chi bộ từ 05 đảng viên, đến nay nâng lên 17 đảng viên. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của tỉnh từng bước trưởng thành, được đào tạo cơ bản cả về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nỗ lực của đội ngũ làm công tác dân tộc của tỉnh đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở vùng đồng bào dân tộc, xây dựng mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn.
Trong những năm qua, cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Góp phần làm thay đổi căn bản cho vùng đồng bào các dân tộc và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã miền núi, xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La hàng năm giảm bình quân từ 2 - 3 %. Cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng, nước sinh hoạt, thủy lợi ... được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, và đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các chương trình chính sách dân tộc do Ban Dân tộc chủ trì triển khai thực hiện trong thời gian qua đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tặng nhiều cờ thi đua, Bằng khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn. Nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen do có nhiều thành tích trong công tác dân tộc. Đặc biệt trong năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La được Ủy Ban Dân tộc, UBND tỉnh tặng Bằng khen trong thực hiện công tác cải cách hành chính.
Chặng đường thành lập và phát triển của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La là một hành trình tuy chưa dài nhưng có thể khẳng định rằng nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai, hôn nhân cận huyết thống… cùng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn./.
Nguyễn Hường