Nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 5
Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con các dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nông dân xã Chiềng On, huyện Yên Châu thu hoạch chanh leo.

Với 82% dân số là đồng bào DTTS, huyện Yên Châu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cấp thiết cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, như đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa xã, bản... Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Giai đoạn 2021-2023, huyện được giao hơn 144 tỷ đồng Chương trình MTQG 1719; trong đó, hơn 52 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đã đầu tư xây dựng 22 công trình; duy tu, bảo dưỡng 15 công trình tại 10 xã đặc biệt khó khăn; xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ tại các xã.

Trước đây, những hộ nghèo, cận nghèo tại xã Chiềng Đông của huyện Yên Châu không có điều kiện mua téc nước, thường sử dụng chum, vại... để tích trữ nước sinh hoạt. Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, nhiều hộ dân ở xã đã được hỗ trợ téc nước.

Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, cho biết: Xã có 192 hộ nghèo, cận nghèo người DTTS được hỗ trợ téc chứa nước sinh hoạt, giúp các hộ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh tại xã lên 90%.

Còn tại Phù Yên, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, trong tổng số 58 công trình trường, lớp học, trạm y tế, điểm tái định cư phòng chống thiên tai... đang được đầu tư xây dựng, có 32 công trình đã được bàn giao và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, những dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững cũng đang được hỗ trợ, giúp đồng bào DTTS có sinh kế nâng cao thu nhập.

Riêng chương trình bảo vệ và phát triển rừng, huyện Phù Yên đã hỗ trợ 5,2 tỷ đồng để trồng mới trên 140 ha rừng sản xuất; giao khoán cho 312 chủ rừng và 7 cộng đồng bản ở 9 xã quản lý, bảo vệ hơn 8.280 ha rừng. Ngoài ra, huyện hỗ trợ 425 hộ mua thiết bị chứa nước sinh hoạt; xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt các xã Đá Đỏ, Tân Phong, Mường Lang, Mường Thải; 125 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; sắp xếp ổn định dân cư cho 40 hộ của bản Suối Thịnh, xã Suối Bau và bản Khoai Lang, xã Mường Thải.

Anh Mùi Văn Nguyện, bản Vạn Yên, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, chia sẻ: Đầu năm 2022, được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng/ha tiền mua cây giống, gia đình tôi đã quyết định chuyển 4 ha đất trồng ngô sang trồng cây tếch, hiện cây phát triển tốt. Nhờ được hỗ trợ, tôi và nhiều gia đình khác trong xã có điều kiện phát triển trồng rừng kinh tế, phủ xanh đất trống, đồi trọc, sau này có nguồn thu từ trồng rừng.

Ông Lường Văn Toán, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Tổng vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Sơn La là hơn 8.713 tỷ đồng. Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định của Trung ương. Chủ động nắm tình hình, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án thành phần.

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh đã từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất cho 418 hộ đồng bào DTTS; xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; đào tạo nghề, việc làm cho 7.030 người; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư tại 17 điểm, với 956 hộ đồng bào DTTS của 8 huyện; xây dựng 5 công trình giao thông liên xã chưa được cứng hóa, 8 công trình chợ; đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế cho các hộ dân tộc La Ha của các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La...

Bên cạnh đó, Chương trình MTQG đã hỗ trợ đồng bào DTTS bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch; thực hiện bình đẳng giới; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư. 3 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, hiện còn 14,17%. Đến nay, 97,5% số xã và 78,4% số bản có đường ô tô đến trung tâm; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,5%; 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia...

Các chính sách hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 đã tạo thêm động lực, niềm tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, có 44% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguồn: Báo Sơn La
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 BAN DÂN TỘC TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 5 tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh, Tổ 7, Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La. 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng Ban

Điện thoại: 0212.3850744 - Email: bdt@sonla.gov.vn 

Giấy phép số: 22/GP-BTTTT do Sở Thông tin - Truyền thông
Cấp ngày 22  tháng 3 năm 2024.

 

 Chung nhan Tin Nhiem Mang