Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 19/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc. Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người", kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội. Đây là Hội nghị quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận, thống nhất tư duy, phương pháp, cách tiếp cận, để cùng hành động, nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số toàn dân, toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chú trọng xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện thể chế số, đào tạo nhân lực số trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay…
Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Sơn La.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn 2021 - 2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Công tác chỉ đạo, điều hành đã bám sát thực tiễn hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp được củng cố, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Kinh tế số, xã hội số tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khá. Giáo dục và Đào tạo: Hệ thống đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng, giáo dục mầm non và tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến đã triển khai đồng bộ, đánh giá là bước đột phá. Y tế, khám chữa bệnh đã liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, khai tử... Phần mềm Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện có 35 triệu tài khoản; 72% người dân khu vực đô thị hưởng nhận BHXH, trợ cấp qua tài khoản. Đặc biệt, trong cao điểm Covid-19, trong 1 tháng đã chi trả 31.836 tỷ đồng cho trên 13,3 triệu lượt người lao động qua hệ thống điện tử.
Hội nghị được trực tuyến đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Chi trả an sinh xã hội: 63/63 địa phương thực hiện chỉ trả qua tài khoản cho 1.96 triệu người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng. Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về kết quả chuyển đổi số của Việt Nam, trong đó chỉ số Chính phủ điện tử năm 2022 xếp hạng 86/193; chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132; chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.
Tại tỉnh Sơn La, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số các cấp; sự phối hợp tích cực của các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, đến nay đã cơ bản hoàn thành được một số chỉ tiêu, nhiệm vụ giao năm 2024.
Các cơ quan báo chí truyền thông đã quan tâm triển khai công tác truyền thông chính sách theo nhiều hình thức khác nhau: tăng thời lượng phát thanh, truyền hình về truyền thông chính sách; tăng thời gian phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh internet trên địa bàn tỉnh; tổ chức Tọa đàm truyền thông chính sách cấp tỉnh; tổ chức ngày hội truyền thông số cấp huyện, qua đó, phản ánh kết quả, thành công và những hạn chế bất cập, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục, giúp thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm mới để thông tin cơ sở thực sự là nguồn lực cho sự phát triển mọi lĩnh vực của tỉnh Sơn La.
Tại hội nghị, đại biểu nghe báo cáo và thảo luận về các giải pháp để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số, tháo gỡ những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La