Hướng phát triển kinh tế bền vững ở các xã vùng III
Lượt xem: 452
Phát triển chăn nuôi đại gia súc là một hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế ở các xã vùng III và bản đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn. Huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, bản hướng dẫn, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cải tạo giống gia súc địa phương, đầu tư chuồng trại, trồng cỏ, nhân rộng mô hình nuôi gia súc nhốt chuồng theo hướng hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, hiệu quả.
Nông dân xã Chiềng Dong, huyện Mai Sơn nuôi đại gia súc nhốt chuồng. 

Mai Sơn hiện có 10 xã khu vực III; 123 bản đặc biệt khó khăn, trong đó có 10 bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực I, II. Ban Thường vụ huyện ủy Mai Sơn đã ban hành chủ trương “Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển đại gia súc theo hướng chăn nuôi tập trung, hiệu quả”, phong trào đã tạo sự lan tỏa rộng khắp trên địa bàn, nhất là các xã vùng III, bản đặc biệt khó khăn. Các cơ quan chức năng đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tham quan mô hình nuôi bò lai 3B tiêu biểu trên địa bàn; kết nối đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển chăn nuôi giữa HTX với nông hộ địa phương; tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn chính sách ưu đãi phát triển chăn nuôi đại gia súc. Từ đầu năm đến nay, huyện Mai Sơn đã tổ chức được 61 cuộc tuyên truyền vận động bà con phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nuôi nhốt và trồng cỏ theo hướng hàng hóa cho trên 2.100 lượt người tham gia; tổ chức 9 lớp tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi cho 357 hộ; hỗ trợ 1.700 liều tinh phối thụ tinh nhân tạo cho 750 con bò cái nền địa phương...

Chiềng Dong là một trong những xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 30%. Triển khai chủ trương “Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển đại gia súc theo hướng chăn nuôi tập trung, hiệu quả trên địa bàn”, xã đã thành lập, kiện toàn tổ công tác, tổ chức 8 buổi tuyên truyền tại các bản, với 720 lượt người tham gia; tạo điều kiện cho 12 nông dân tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc bò do Hội Nông dân tỉnh mở tại xã Chiềng Ban; tổ chức cho 14 người đi tham quan, học tập mô hình chăn nuôi bò 3B tại HTX nông nghiệp Sơn La, xã Cò Nòi.

Ông Hoàng Kim Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Dong, cho biết: Nhiều hộ đầu tư chuồng trại, từng bước lai hóa đàn bò, phát triển đàn vật nuôi và thay đổi thói quen chăn thả sang nuôi nhốt kết hợp với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Một số hộ thực hiện phối thụ tinh nhân tạo cho bò cái nền địa phương bằng các giống bò 3B và bò Matter; 139 hộ trồng mới gần 10 ha cỏ các loại, nâng tổng diện tích trồng cỏ lên gần 25 ha. Đến nay, tổng số đàn trâu, bò tăng lên 1.195 con. Xã phối hợp kết nối thành viên HTX nông nghiệp Sơn La tiêu thụ và thương lái địa phương tiêu thụ trâu, bò cho bà con nông dân trên địa bàn.

Thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi, bà con ở các xã vùng III, bản đặc biệt khó khăn đã chuyển dần từ chăn thả nhỏ lẻ sang nuôi nhốt tập trung theo hướng hàng, mở rộng gấp đôi diện tích trồng cỏ, đầu tư chuồng trại, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ cho trâu, bò và quan tâm cải tạo, phát triển các giống bò năng suất, chất lượng thay thế giống bò địa phương. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 1.000 hộ dân tu sửa chuồng trại chuyển từ chăn thả sang nuôi nhốt, áp dụng an toàn sinh học, nuôi vỗ béo; trồng mới trên 200 ha cỏ các loại. Đến nay, toàn huyện có trên 43.300 con trâu, bò gồm bò giống địa phương và 1.200 con bò lai Shin, bò 3B, tăng 6,2% so với năm 2020; trong đó, các xã, bản đặc biệt khó khăn có 21.700 con trâu, bò, chiếm 50,25% tổng đàn gia súc của toàn huyện.

Chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung, liên kết tiêu thụ thực phẩm đã dần hình thành các chuỗi chăn nuôi bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân, góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng III trên địa bàn. Phát huy hiệu quả, huyện Mai Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi nuôi nhốt, đẩy mạnh phong trào trồng cỏ voi diệt cỏ dại; kết nối doanh nghiệp đầu mối để tạo chuỗi sản xuất giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ khép kín để phát triển chăn nuôi đại gia súc thực sự là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

Nguồn: Báo Sơn La

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 BAN DÂN TỘC TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 5 tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh, Tổ 7, Phường Tô Hiệu, Thành phố Sơn La. 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng Ban

Điện thoại: 0212.3850744 - Email: bdt@sonla.gov.vn 

Giấy phép số: 22/GP-BTTTT do Sở Thông tin - Truyền thông
Cấp ngày 22  tháng 3 năm 2024.

 

 Chung nhan Tin Nhiem Mang